CÁC MÓN ĂN MẶN

Trang 1, 2

 

  • Ốc Xào

      Ốc nhồi xào ớt, lá gừng có vị cay thơm. Món xào ăn cùng bún rất ngon.

      * Nguyên liệu:
      - Ốc nhồi: 1 kg
      - Giấm bỗng: 2 thìa to
      - Ớt tươi
      - Đường: 10g
      - Gia vị, lá gừng, rau mùi, dầu ăn

      * Thực hiện:

      Ốc nhồi chọn con to vừa, cầm nặng tay, miệng ốc đầy. Rửa ốc thật sạch ngâm trong nước gạo qua đêm cho ốc nhả hết bẩn và ăn nước gạo cho thịt ốc trắng và không tanh. Sau một đêm rửa lại ốc và ngâm thêm 4-5 tiếng nữa rồi xả nước, để ráo. Luộc chín gỡ lấy thịt ốc.

      Ớt tươi rửa sạch cắt khoanh bỏ bớt hạt. Lá gừng rửa sạch thái nhỏ. Rau mùi nhặt rửa sạch.

      Cho hai thìa dầu vào chảo, khi dầu nóng cho ớt vào xào nổi màu đỏ rồi cho tiếp giấm bỗng đã lọc bỏ bã, đường, 2 thìa gia vị vào quấy đều cho gia vị tan hết. Đổ ốc vào đảo kỹ, để lửa nhỏ đậy kín nắp chảo cho ốc chín. Nếu nước xào gần cạn hết thì cho thêm 1-2 thìa to nước sôi vào đảo đều tay. Rắc lá gừng, rau mùi vào xúc ra đã ăn nóng.

      Bếp Gas (sưu tầm)

       

  • Tôm Khoai Om Nước Dừa


      Khoai lang hầm nhừ với nước dừa, thả thêm tôm sú. Món ăn có vị cay, béo ngậy rất hấp dẫn.

      Nguyên liệu:
      - 300g tôm
      - 300g khoai lang
      - 150ml nước cốt dừa
      - 2 củ sả, lá chanh, chanh tươi, đường, rau mùi, bột cary Thái, dầu thực vật.

      Thực hiện:
      - Tôm tươi sơ chế sạch, bóc bỏ vỏ. Khoai lang gọt vỏ thái miếng vuông. Sả bóc lớp vỏ ngoài, lấy phần củ trắng ở trên, đập giập. Chanh tươi lạng lấy vỏ chanh rồi vắt 2 muỗng nước cốt.
      - Cho 1 muỗng dầu vào chảo đun nóng, cho 1-2 muỗng bột cary và sả vào đảo 3 phút. Đổ tiếp nước cốt dừa và 1 chén nhỏ nước vào đun sôi, vặn nhỏ lửa để nước sôi khoảng 5 phút rồi cho khoai lang vào nấu khoảng 6 phút, cho tiếp lá chanh vào nấu để khoai chín mềm. Nêm 2 muỗng nước mắm, nước cốt chanh, 2 thìa đường và rau mùi, vỏ chanh vào đảo đều. Cho tôm vào để canh sôi trở lại là được.
      - Múc món ăn ra âu, trang trí 1 cọng rau húng hoặc lá chanh lên trên cho đẹp. Ăn nóng món ăn với cơm.

      Chú ý: Trước khi ăn vớt bỏ sả, vỏ chanh, lá chanh.

       

  • Đậu Hũ Nấu Giò Sống

      Đậu hũ nấu canh, thả thêm chút giò sống. Canh có vị mát, dễ ăn.

      Nguyên liệu:
      - Hai cây đậu hũ,
      - 200g giò sống,
      - 200g bông hẹ, 2 trái cà chua vừa chín, đầu hành lá băm nhuyễn,
      - Tiêu, muối, đường, dầu ăn.

      Thực hiện:
      Đậu hũ cắt đôi, cắt khoanh dày 1cm.
      Giò sống trộn đều với đầu hành lá băm nhuyễn + 1/2 muỗng cà-phê tiêu, vo viên nhỏ, lăn qua dầu, xếp vào đĩa sâu lòng.
      Bông hẹ cắt lấy phần bông dài 4cm, rửa, xóc ráo.
      Cà chua rửa, bỏ cuống, cắt múi cam, trộn đều với đường.
      Nấu sôi 1 lít nước trong soong, cho giò sống đã vo viên vào nấu sôi 2 phút, cho bông hẹ + đậu hũ vào nấu sôi, cho cà chua + muối vào, sôi lại nhấc xuống.
      Múc đậu hũ nấu giò sống vào thố, rắc tiêu, dọn dùng nóng.

      Bếp Gas (sưu tầm)

       

  • Tôm Kho Dứa

      Tôm tươi kho cùng dứa cũng là món dễ ăn. Thịt tôm quyện vị chua dịu của dứa thật hấp dẫn.

      Nguyên liệu:
      - 150g tôm đã lột vỏ
      - 1/4 trái dứa (thơm)
      - Dầu ăn, hành ngò, gia vị.

      Thực hiện:
      - Tôm ướp với ít nước mắm ngon, đường, hành tím băm, để thấm gia vị khoảng 15 phút;
      - Dứa cắt lát mỏng;
      - Chảo dầu nóng, phi thơm tỏi, cho tôm vào xào săn, sau đó cho dứa vào, đảo đều. Nêm gia vị vừa ăn.
      - Xúc ra đĩa, rắc ngò lên.

       

  • Bột Chiên

      Vật liệu
      · Một cục bột chiên bán sẵn ở chợ.
      · 4 cái trứng gà.
      · Hành lá
      · Hành phi, tiêu
      · Nước tương ngon, đường, dấm đỏ, tương ớt.

      Cách làm:
      · Cách chiên bột: Bột mua về cắt từng miếng như con cờ cho vừa ăn, bắt chảo dầu lên để lửa cho lớn và nóng, thả bột chiên vào và vặn lửa lại cho vừa để miếng bột được giòn. Canh chừng bột giòn một bên và trở lại cho bên kia được giòn đều, đập trứng gà vào và cho hành lá vô thật nhiều (tùy theo khẩu vị người ăn). Khi đã giòn đều hai bên của miếng bột thì bạn dọn ra dĩa và rắc hành phi và tiêu, lúc đó bạn đã có một dĩa bột chiên thật là ngon.
      · Cách làm nước chấm: nửa chén nước hòa tan với ba muỗng đường và cho hai muỗng dấm đỏ và hai muỗng nước tương vào nêm và gia giảm cho vừa độ chua ngọt mặn rồi bạn để thêm tương ớt (tùy theo bạn muốn ăn cay nhiều hay ít), nếu bạn muốn ngon thêm nữa thì kèm theo ít đồ chua (củ cải trắng, cà rốt xắt sợi ngâm dấm đường).

       

  • Cơm Gà Hải Nam


      1. Vật liệu:
      - Một con gà vừa, rửa sạch để ráo nước, mỡ gà để riêng
      - 1 củ gừng gọt vỏ, xắt lát
      - Hành, ngò xắt nhỏ
      - 10 củ hành hương lột vỏ, cắt hạt lựu
      - Gạo thơm
      - Dầu ăn, gia vị…

      2. Cách Làm:
      - Cho củ hành xắt hạt lựu, muối vào dầu đang sôi, đảo sơ bắt xuống (nước sốt này dùng để chấm thịt gà hay có thể thay thế bằng nước mắm gừng tùy ý thích).
      - Thả gà vào nồi nước thật sôi (nước phải ngập con gà) có bỏ vài lát gừng và một chút muối. Đậy nắp lại và tắt lửa. Để khoảng 15’ vớt gà ra và rửa lại bằng nước lạnh. Tiếp tục đun nồi nước luộc gà đó thật sôi và thả gà vào làm lại giống như trên. Thịt gà luộc như vậy rất ngọt và ngon. Nước soup cũng rất trong.
      - Trong khi thả gà vào nước thật sôi lần nhì, rang gạo với mỡ gà và vài lát gừng. Khi gà đã vớt ra và gạo vừa vàng tới, dùng nước luộc gà còn nóng để nấu cơm. Nước soup gà còn lại nêm cho vừa ăn và bỏ hành ngò khi dọn ăn.
      - Thịt gà chặt ra từng miếng và xếp vào dĩa cho vài cọng ngò lên trên. Khi ăn dọn cơm với gà và nước sốt cùng soup.
      Chúc các bạn ăn ngon.

      Van Lee

       

  • Bò Nướng Mật Ong

      Thịt bò thái bản to, ướp cùng mật ong, xì dầu. Thịt nướng chín tới, thơm mùi mật rất hấp dẫn.

      Nguyên liệu:

      - 300g thịt bò filet tươi
      - Xì dầu, mật ong, dầu ăn
      - Tỏi, tiêu, ngũ vị hương
      - Mè rang vàng: 1 thìa

      Cách làm:

      - 300g filet bò mềm, tươi, chọn miếng thịt có bản lớn khoảng ba ngón tay, cắt miếng không quá mỏng, khoảng 3mm là vừa.
      - Pha hỗn hợp gia vị: 50cc nước dùng bò nếu có + 2 muỗng xúp xì dầu loại thường dùng + 2 muỗng xúp mật ong + 2 muỗng xúp dầu ăn thực vật + 1 muỗng cà phê tỏi băm nhuyễn + 1 muỗng nhỏ tiêu + 1/4 muỗng cà phê muối + 1/2 muỗng cà phê ngũ vị hương + 1 muỗng xúp mè rang vàng, giã nhuyễn mịn. Khuấy đều hỗn hợp rồi nếm lại, thêm muối hoặc mật ong cho có vị ngọt nhẹ đậm đà.
      - Trộn thịt vào hỗn hợp gia vị, để qua khoảng 1 giờ (cho thịt vào tủ lạnh trong thời gian ướp).
      - Dù nướng bằng lò hay bằng lửa than cũng nên dùng vỉ kẹp để nướng và chỉ cho vào vỉ kẹp một lớp thịt, miếng thịt mới thẳng đẹp. Sau khi sắp và kẹp thịt vào vỉ, cho vào lò nướng ở nhiệt độ 250 độ C. Thịt cắt mỏng, thăm chừng chỉ trong khoảng 1,5 phút đến 2 phút là thịt vừa chín mềm, đừng để thịt chín khô. Nếu dùng lò than nướng lửa lớn cho thịt chín nhanh, trở đều hai mặt thịt.
      - Tùy ý ăn kèm xà lách, cà chua, cà rốt, củ cải trắng ngâm chua ngọt, kẹp bánh mì đồ chua cắt sợi, dưa leo hoặc bún, rau sống, nước mắm chua ngọt pha loãng.

      Bếp Gas (sưu tầm)

       

  • Bánh Mì Sốt Bruchette Tôm

      Bánh mì sốt Bruschetta tôm là món ăn có nguồn gốc từ Italy. Tôm là thực phẩm rất giàu calcium, lại không có chất béo, còn cà chua sẽ cung cấp một lượng vitamin A dồi dào cho cơ thể. Món này dùng để ăn khai vị.

      * Nguyên liệu:
      - 2 ổ bánh mì xắt lát.
      - Cà chua tươi: 1 trái lớn, xắt hạt lựu.
      - Tỏi tươi: 2 tép xắt nhuyễn.
      - Lá quế tươi (basil) xắt nhuyễn.
      - Dầu ô liu 1 muỗng canh.
      - Tôm tươi: 6 con vừa, lột vỏ, xắt hạt lựu.
      Dầu ô liu tìm mua tại các siêu thị lớn.  Cà chua nên chọn trái chín mọng, căng tròn và cuống tươi. Tôm chọn loại tôm tươi sống, đều con, vỏ cứng, đầu không bị mềm.

      * Thực hiện:
      - Cho dầu ô liu lên chảo nóng, tỏi xào cho thơm, cho cà chua xào cùng với tôm, nêm ít muối vừa ăn, tắt lửa và cho lá quế vào.
      - Rải 1 muỗng súp sốt cà chua và tôm lên mặt bánh mì nướng nóng đã xắt lát. Xếp các miếng bánh mì trong đĩa tròn thành hình một bông hoa, bày lá rau thơm ở giữa cho bắt mắt.
      Món ăn này nên ăn ngay khi còn nóng. Sẽ rất tuyệt nếu dùng chung với rượu vang trắng.
      Bếp Gas (sưu tầm)

       

  • Mì Quảng

      Vật Liệu:
      -2 kg mì Quảng. Có thể thay thế bằng phở khô sợi to cỡ 2lbs.
      -1 kg xương heo, hay xương gà.
      -1 kg thịt heo nạc, hoặc thịt gà ức.
      -1 kg tôm tươi loại tôm cỏ, hoặc tôm bạc vỏ mỏng.
      -200 gr đậu phộng rang
      -3 bánh tráng mè loại dày
      -1 búp chuối hột (chuối sứ)
      -Rau salad, rau thơm(húng, trà quế), rau muống chẻ, giá sống.
      -Nước mắm, hành tím, tỏi khô, tiêu, đường, bột ngọt, hột điều màu (tuỳ ý).
      -Chanh, tỏi, ớt, hành, ngò.

      Chuẩn bị:
      - Nếu không mua được Mì Quảng, ta có thể dùng bánh phở khô sợi to, ngâm nước nóng, rồi trụng với nước có pha bột nghệ. Đem xáo lại nước lạnh, rồi xáo với dầu ăn đã khử hành cho thơm, cho sợi mì không bị dính lại.
      -Nước lèo, xương heo đem rửa sạch, để ráo. Hai lít nước đun sôi, bỏ xương vào nồi hầm mềm. Trong lúc hầm, nêm vô muỗng cafe muối, vớt bọt thường xuyên cho nước trong.
      - Thịt heo (gà) xắt ra từng miếng, dày mỏng tùy ý. Ướp hành, tiêu, muối, đường.
      - Tôm cắt bỏ, đầu đuôi, rút chỉ lưng. Nếu không sợ cholesterol thì lấy gạch của tôm, bằng cách lột đầu tôm, cắt đầu để riêng, giã nát nhuyễn. Cho vào 1 tsp nước chanh để ngăn giảm sự lên mùi. Lúc xào nhân thì bỏ chung vào với tôm. Rửa tôm để ráo, nếu không muốn ăn vỏ, thì lột vỏ bỏ. Cũng ướp muối,tiêu, đường.
      - Bánh tráng mè đem nướng vàng.
      - Đậu phộng rang chín, chà sạch vỏ, giã nhỏ.
      - Búp chuối bào bỏng, ngâm vào nước lạnh có vắt chanh, đến khi gần dọn ăn sẽ xả lại nước lạnh, để ráo.
      - Rau salad, rau thơm (húng) các thứ đem nhặt, rửa sạch, để ráo, cắt nhỏ, trộn chung với bắp chuối bào và rau muống chẻ cùng giá đã rửa sạch (ăn sống hoặc trụng tuỳ ý).

      Cách nấu:
      - Đổ thêm vô nồi xương hầm một lít nước sôi, đập dập 3 củ hành tím đã lột vỏ, bỏ vô nồi xương, nêm thêm vô 3 muỗng canh nước mắm + muỗng cafe đường + muỗng cafe bột ngọt + chút tiêu, nêm nếm nước dùng cho vừa ăn, giữ nóng trên bếp.

      - Bắc soong bỏ vô 5 muỗng canh dầu ăn, dầu nóng cho muỗng súp hột điều màu vô xào cho ra hết màu, vớt bỏ xác, đổ dầu hột điều này vô cái chén riêng, bỏ thêm vô nồi 5 muỗng canh dầu ăn nữa, bỏ 5 củ hành tím bào mỏng + 3 tép tỏi đập dập vô xào cho thơm, bỏ thịt vô xào, trút tôm, đầu gạch tôm vô chung , tôm chín cho thịt vô trộn đều, nêm vô 3 muõng súp nước mắm + muỗng cafe bột ngọt + trộn đều cho tôm và thịt thấm gia vị, múc vài vá nước hầm xương đổ vào nồi tôm thịt, nấu thêm một chút nữa , sau đó múc nước hầm xương đổ thêm vô cho ngập sâm sấp mặt tôm thịt, nêm nếm cho vừa ăn, chan chén dầu hột điều vô nồi tôm thịt, để nhỏ lửa, giữ cho nồi tôm thịt luôn nóng.

      -Bắc chảo mỡ, phi thêm một ít hành tím, đổ dầu hành vô nồi nước dùng cho thơm và béo.

      -Hỗn hợp rau giá bỏ dưới tô, đến Mì, hành ngò, chan nước nhưng sâm sấp, nặn chanh, bỏ ớt vào, đậu phụng, cùng với bánh tráng mè bóp nhỏ.

      Ghi chú: Mì Quảng được ăn theo dạng khô, sợi mì chỉ thấm ướt nước lèo và không chan nhiều nước như hủ tiếu hay phở. Ăn Mì Quảng phải ăn nhiều rau mới ngon. Có người thêm vào nồi nhân thịt cua, thịt gà ức, chả cá thác lác, hay là giò chả, mực ống xắt lát mỏng, tô mì sẽ phong phú và hấp dẫn hơn. Có người còn cho thêm cà chua, tạo nước sền sệt, ngon hơn.

      CÁCH 2

      Nước lèo chị dùng củ sắn, thơm tươi (không có thì dùng thơm hộp). Thịt ba rọi thái nhỏ phi cho ra bớt mỡ đảo tỏi bầm, hành hương cho thơm đổ nước vào. Củ sắn thái nhỏ hạt lựu thả vào, thơm (dứa) cũng cho vào lúc này, để lửa nhỏ cho chút muối, đường phèn. Dùng nồi đất nếu có, kho tôm và thịt hay sườn tùy ý với đầu hành trắng cho thơm. Cho dầu hạt điều vào lấy màu đỏ cho đẹp. Khi thịt và tôm đã mềm thả vào nồi nước lèo, muốn cho cà chua cũng ngon. (Mì Quảng là món nấu lại những thịt thà còn lại của buổi tiệc ngày hôm trước, giống như món bún già (dà) là món bún nấu lại những thịt và tôm còn lại sau khi ăn món gỏi cuốn)

      Muốn ăn mì Quảng có cá, thì chiên cá cho vàng để sẵn, trước khi ăn 10. 20 phút, thả vào nồi. Còn dư heo quay, vịt quay cũng có thể nấu mì Quảng. Vào tiệm ăn mì Quảng, mà người ta dọn con tôm hùm trên tô là... không phải mì Quảng. Mì Quảng mà chan ngập nước cũng không phải luôn, ngon là ở cái nước sột sệt vừa đủ thấm cọng mì, cái béo ngọt, mềm của những món cũ được nấu lại quyện vào sợi mì (là loại bánh tráng bằng bột gạo trong nhà ngày xưa, khi muốn ăn mì Quảng người ta trộn bột nghệ vào bột trước khi tráng bánh)





     






     

     

Questions / Comments: email to trungthu@trungthu.us
Last updated 07/16/06